Những điều cần biết về container trong vận tải hàng hóa
Tin tức nghành thép / / TVP SteelHiện nay trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, container là một trong những phương tiện được sử dụng phổ biến để đóng hàng. Container được sử dụng chủ yếu trong vận tải đường biển. Đóng hàng bằng container giúp hàng hóa được bảo quản tốt, tránh bị hư hỏng, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển so với vận chuyển bằng đường hàng không. Mỗi container thường có dạng hộp được làm bằng kim loại, có kích thước khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp từng loại container khác nhau như nào, các ký hiệu trên container có ý nghĩa ra sao,…
1. Các loại container
Thực tế container được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau như theo kích thước, theo vật liệu đóng container, theo công dụng, … Tuy nhiên đa số hiện nay khi nói tới phân loại container người ta sẽ nói tới 1 số loại phổ biến như dưới đây:
- DC (Dry container): là container khô hay còn gọi là container thường
- HC (High cube): là container cao
- RE (Reefer): là container lạnh
- HR (Hi-cube reefer): là container lạnh, cao
- OT (Open top): là container có thể mở nóc
- FR (Flat rack): là container có thể mở nắp, mở cạnh
Sức chứa của container được tính theo đơn vị TEU (twenty-foot equivalent units) – Là đơn vị tương đương 20 foot (1foot = 0,3048 m). Do đó người ta thường gọi 1 container 20 feet là 1 TEU. Vì lý do này mà các biến thể container 40 feet ~ 2 TEU, container 45 feet cũng xem như là 2 TEU.
1.1 DC (Dry container)
Container khô viết tắt là 20’DC hay 40’DC. Đây là loại cơ bản nhất, đại diện cho đơn vị tính TEU. Loại này thường được sử dụng đế đóng những hàng hoá khô, có tính chất nặng, yêu cầu ít về mặt thể tích (Ví dụ như gạo, bột, thép, xi măng, …).
1.2 HC (High cube)
Đặc điểm nổi bật với loại container này là sức chứa hàng khủng khiếp của nó. Đặc biệt, ngoài chuyên dùng để đóng hàng với kích cỡ và khối lượng lớn, còn có 1 sự lựa chọn khác chúng ta có thể sử dụng vỏ container này làm container văn phòng hoặc nhà ở container.
1.3 RE (Reefer)
Container lạnh được thiết kế để làm kho lạnh, xe đông lạnh vận chuyển hàng hóa yêu cầu cần khống chế nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với loại hàng hóa đó. Container lạnh thường có hai loại là container lạnh nhôm và container lạnh sắt. Do điều kiện nhiệt độ bên trong container khắc nghiệt nên lớp bên trong container lạnh được làm bằng inox. Với những loại container này, chi phí lưu kho bãi sẽ rất tốn kém.
1.4 HR (Hi-cube reefer)
Container lạnh, cao giống loại container lạnh, tuy nhiên là loại container chuyên chở các loại hàng hóa yêu cầu đặc biệt về sức chứa lớn.
1.5 OT (Open top)
Container mở nóc được thiết kế thuận tiện cho việc đóng hàng vào và rút hàng ra qua nóc container. Sau khi đóng hàng, nóc container sẽ được phủ bạt để tránh mưa gió ảnh hưởng tới hàng hóa. Loại container này dùng để chuyên chở hàng máy móc thiết bị.
1.6 FR (Flat rack)
Là loại container được thiết kế không vách, không mái mà chỉ có sàn là mặt bằng vững chắc, chuyên dùng để vận chuyển hàng nặng như máy móc thiết bị, sắt thép,… Container mặt bằng có loại có vách hai đầu (mặt trước và mặt sau), vách này có thể cố định, gập xuống, hoặc có thể tháo rời.
2. Kẹp chì (Seal container)
Seal container là kẹp chì container, hay được hiểu là khóa niêm phong container, được sử dụng để niêm phong thùng container trước khi xuất hàng đi nước ngoài nhằm đảm bảo hàng hóa phía trong container đầy đủ số lượng và hạn chế những ảnh hưởng tới chất lượng.
Trên những kẹp chì này được thể hiện những ký hiệu ngay trên các bề mặt chì. Những kẹp chì sẽ niêm phong hàng hóa và sẽ tự bong ra khi cửa container được mở ra. Bên vận chuyển sẽ là bên đảm bảo rằng là hàng tới cảng đích kẹp chì vẫn còn nguyên. Mỗi seal này có một dãy số serial được gọi là số Seal gồm có 6 chữ số, tùy vào số lượng sử dụng, các con số 0 sẽ được thêm vào trước để đủ 6 chữ số. Mỗi container sẽ được niêm phong một số chì duy nhất, không giống với bất kỳ số chì nào khác, nhằm đảm bảo container không được thay thế bằng seal khác. Nếu có sự thay đổi, tức hàng hóa đã có sự thay đổi, người nhập khẩu có quyền không nhận hàng, và truy cứu trách nhiệm với bên vận chuyển. Sau khi người gửi hàng đóng hàng vào container và kẹp chì thì số seal này sẽ được khai báo lên các chứng từ để các bên có thể nắm được như: P/L, B/L, C/O.
3. Kích thước container
Container có nhiều loại, và kích thước cụ thể từng loại có thể khác nhau ít nhiều tùy theo nhà sản xuất. Tuy vậy, do nhu cầu tiêu chuẩn hóa để có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu, kích thước cũng như tải trọng thường được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO (ISO 668:1995(E)). Theo đó kích thước container hiện nay có 3 loại là container 20’ (feet), 40’ và 45′. Dưới đây là kích thước phủ bì của 3 loại container này:
– Container 20 feet: Dài 6,060m; Rộng 2,440m; Cao 2,590m
– Container 40 feet: Dài 12,190m; Rộng 2,440m; Cao 2,590m
– Container 45 feet: Dài 13,716m; Rộng 2,500m; Cao 2,896m
Tuy nhiên đây chỉ là kích thước bên ngoài, trước khi đóng hàng vào container chúng ta nên tham khảo chi tiết tất cả thông số kỹ thuật gồm: kích thước bên ngoài (phủ bì), kích thước bên trong (lọt lòng), chiều rộng, cao cửa container, tải trọng chở hàng, … để chọn loại container đóng hàng cho phù hợp.
4. Các ký mã hiệu trên container
Chúng ta thấy trên vỏ container có rất nhiều loại ký, mã hiệu thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Chúng được ghi ở phía trước, phía sau, bên trong, bên ngoài, và cả trên nóc; có lẽ chỉ trừ dưới gầm là không có ký hiệu nào.
Tiêu chuẩn hiện hành quy định đối với các ký mã hiệu container là ISO 6346:1995. Theo đó, các nhãn hiệu này chia thành những loại chính sau:
- Hệ thống nhận biết (identification system)
- Mã kích thước và mã loại (size and type codes)
- Các ký hiệu khai thác (operational markings)
4.1 Hệ thống nhận biết
Hệ thống nhận biết của container bao gồm 4 thành phần:
- Mã chủ sở hữu (owner code)
- Ký hiệu loại thiết bị (equipment category identifier / product group code)
- Số sê-ri (serial number / registration number)
- Chữ số kiểm tra (check digit)
– Mã chủ sở hữu (owner code): Mã chủ sở hữu (còn gọi là tiếp đầu ngữ container) bao gồm 3 chữ cái viết hoa được thống nhất và đăng ký với cơ quan đăng kiểm quốc tế thông qua cơ quan đăng kiểm quốc gia hoặc đăng kí trực tiếp với Cục container quốc tế – BIC (Bureau International des Containers et du Transport Intermodal).
Sau khi đăng ký, việc sở hữu mã này mới được chính thức công nhận trên toàn thế giới. Một hãng có thể sở hữu một hoặc nhiều mã khác nhau, mặc dù BIC hạn chế điều này, và đưa ra những điều kiện nhất định cho việc đăng kí nhiều mã.
– Ký hiệu loại thiết bị (equipment category identifier / product group code): là một trong ba chữ cái dưới đây viết hoa, tương ứng với một loại thiết bị:
- U: container chở hàng (freight container)
- J: thiết bị có thể tháo rời của container chở hàng (detachable freight container-related equipment)
- Z: đầu kéo (trailer) hoặc mooc (chassis)
Việc sử dụng bất kỳ chữ cái nào không thuộc ba chữ cái trên (U; J; Z) làm ký hiệu loại thiết bị được coi là không tuân theo tiêu chuẩn ISO 6346.
– Số sê-ri (serial number/ registration number): đây chính là số container, gồm 6 chữ số. Nếu số sê-ri không đủ 6 chữ số, thì các chữ số 0 sẽ được thêm vào phía trước để thành đủ 6 chữ số. Chẳng hạn, nếu số sê-ri là 1234, thì sẽ thêm 2 chữ số 0, và số sê-ri đầy đủ sẽ là 001234. Số sê-ri này do chủ sở hữu container tự đặt ra, nhưng đảm bảo nguyên tắc mỗi số chỉ sử dụng duy nhất cho một container.
– Chữ số kiểm tra (check digit): số này được sinh ra bằng cách tính tổng các chữ và số quy đổi từ 10 chữ và số trước đó rồi đem chia cho 11, số dư chính là số kiểm tra. Hiện nay đã có phần mềm để quy đổi và tính số kiểm tra, tuy nhiên vẫn có thể tính thủ công bằng tay và sẽ được tiếp tục nghiên cứu về cách tính số kiểm tra này.
Việc sử dụng số kiểm tra là để giảm thiểu rủi ro sai sót trong quá trình nhập số container. Thực tế là số container được nhiều đối tượng sử dụng (chủ hàng, forwarder, hãng tàu, hải quan…), trên nhiều chứng từ (B/L, Manifest, D/O…), do đó khả năng nhập sai số là rất lớn. Mỗi số container (gồm tiếp đầu ngữ và số sê-ri) sẽ tương ứng với một chữ số kiểm tra. Do đó, việc nhập sai số phần lớn sẽ bị phát hiện do chữ số kiểm tra khác với thực tế. Tuy vậy, cũng cần lưu ý điều này không phải tuyệt đối, bởi nếu sai 2 ký tự trở lên thì có thể số kiểm tra vẫn đúng, và sai sót không bị phát hiện ra.
4.2 Mã kích thước và mã loại (size and type code)
– Mã kích thước: 2 ký tự (chữ cái hoặc chữ số). Ký tự thứ nhất biểu thị chiều dài container: Số 2 nghĩa là chiều dài 20 ft, số 4 là chiều dài 40ft, chữ L là chiều dài 45ft. Như trong hình ảnh trên chữ số 4 thể hiện chiều dài container này là 40ft (12,192m). Ký tự thứ hai biểu thị chiều cao container: số 0 biểu thị cho 8ft, số 2 biểu thị cho 8ft 6in, số 5 biểu thị cho 9ft 6in. Như trong ảnh trên chữ số 2 biểu thị chiều cao container là 8ft 6in (2,591m).
– Mã loại: 2 ký tự. Ký tự thứ nhất cho biết loại container. 1 số ký hiệu loại container thường gặp như: G-General (Container thường); R-Refrigerate (Container lạnh); U-Open top (Container mở nóc); … Trong ví dụ trên: G chính là thể hiện cho đây là loại container thường. Ký tự thứ hai biểu thị đặc tính chính liên quan đến container, số 1 (sau chữ G như trong ảnh) nghĩa là container có cửa thông gió phía trên. Thường ký hiệu này chúng ta không cần quá để ý khi kiểm tra container nhận hàng
Tóm lại, 42G1 trong hình trên thể hiện đây là container thường, dài 40ft, cao 8ft 6in, cửa thông gió phía trên.
4.3 Các ký hiệu khai thác (operational markings)
Các ký hiệu trong khai thác gồm hai loại: bắt buộc và không bắt buộc.
Ký hiệu bắt buộc gồm như tải trọng container, cảnh báo nguy hiểm điện; container cao.
- Trọng lượng tối đa (maximum gross mass) được ghi trên cửa container. Một số container cũng thể hiện trọng lượng vỏ (tare weight) hay lượng hàng xếp cho phép (payload)
- Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm điện từ đường dây điện phía trên, dùng cho tất cả các container có lắp thang leo.
- Dấu hiệu container cao trên 2,6 mét: bắt buộc đối với những container cao trên 8ft 6in (2,6m). Chẳng hạn, hình dưới thể hiện container cao 9ft 6in (2,9m)
Dấu hiệu không bắt buộc: khối lượng hữu ích lớn nhất (max net mass), mã quốc gia (country code)
- Khối lượng hữu ích lớn nhất (max net mass) dán trên cửa container, phía dưới dấu hiệu trọng lượng container tối đa.
- Mã quốc gia (country code) gồm 2 chữ cái viết tắt thể hiện tên quốc gia sở hữu container. Trong hình dưới đây, US viết tắt của United Stated (Hoa Kỳ).
Ngoài ba loại ký mã hiệu chính trình bày ở trên, trên vỏ container còn các dấu hiệu mô tả các thông tin cần thiết khác như:
- Biển chứng nhận an toàn CSC
- Biển chấp nhận của hải quan
- Ký hiệu của tổ chức đường sắt quốc tế UIC
- Logo hãng đăng kiểm
- Test plate (của đăng kiểm), dấu hiệu xếp chồng (stacking height)
- Tên hãng (Maersk, MSC…), logo, slogan (nếu có)
- Mác hãng chế tạo (CIMC, VTC…)
- Ghi chú vật liệu chế tạo vách container (corten steel), hướng dẫn sửa chữa (…repaired only with corten steel)
- Bảng vật liệu chế tạo các bộ phận container; các lưu ý, …
- Thông tin về xử lý gỗ (ván sàn)
- Nhãn hàng nguy hiểm (nếu có)
Nguồn: P. Hợp đồng
Tìm kiếm
Tin tức mới cập nhật
- Thép TVP khởi đầu năm mới đầy ấn tượng:Giao thành công 1.000 tấn tôn lạnh
- Công ty Cổ Phần Thép TVP vinh dự đạt Top 100 Sao Vàng Đất Việt 2024
- Thép TVP khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế với chiến lược xuất khẩu mạnh mẽ và sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu
- Công Ty Thép TVP Được Vinh Danh Tại Giải Thưởng “Thương Hiệu Xuất Sắc Châu Á 2024”
- Ngày của mẹ